10 thuật ngữ cơ bản cần biết để nộp hồ sơ xin học bổng du học Mỹ thành công

Trong quá trình chuẩn bị bộ hồ sơ hoàn chỉnh khi xin học bổng du học Mỹ, các bạn chắc hẳn sẽ gặp phải rất nhiều khái niệm lạ lẫm và khó hiểu. Vì vậy, mình sẽ hỗ trợ các bạn trên hành trình xin học bổng bằng cách làm rõ những khái niệm mới lạ này nhé.

Các hạn nộp hồ sơ RD, ED, EA, RA khi du học Mỹ

Khi mình lướt qua hạn nộp hồ sơ trên trang web về tuyển sinh của các trường bên Mỹ, mình cứ thấy làm lạ vì không biết những cụm từ như Regular Decision, Early Decision, Early Action, hay là Rolling Admissions là gì. Mình đã nộp muộn hay vẫn còn dư thời gian để trau chuốt bộ hồ sơ của mình? Mình đã nộp đúng hình thức hay chưa?

Những hình thức nộp hồ sơ/hạn nộp hồ sơ trên có thể được hiểu như sau, mình cũng có dịch nôm na sang tiếng Việt cho các bạn dễ hiểu:

Các hạn nộp hồ sơ khi đi du học Mỹ
Các hạn nộp hồ sơ khi đi du học Mỹ

Regular Decision (RD) – Quyết định thường

  • Thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả trúng tuyển: hạn nộp RD thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 2 và sau đó đến tháng 3 hoặc tháng 4 sẽ có kết quả báo đậu/trượt.
  • Điều kiện: Bạn có thể nộp không giới hạn trường, và có thể tự do chọn trường mà mình muốn theo học để nộp hồ sơ.
  • Gợi ý: Chọn RD nếu bạn thích rất nhiều trường và muốn có nhiều lựa chọn trường khi đi du học Mỹ

Early Decision (ED) – Quyết định sớm

  • Thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả trúng tuyển: thường vào tháng 11 là phải nộp hồ sơ và tháng 12 là sẽ có kết quả
  • Điều kiện: Bạn chỉ chọn hình thức nộp hồ sơ này nếu chắc chắn rằng khi đậu thì mình sẽ theo học ở trường đấy bởi nếu không theo học thì sẽ có những điều bất lợi vì bản thân đã ký vào hợp đồng cam kết rồi mà.
  • Gợi ý: Chọn ED nếu bạn ao ước và cực kỳ muốn vào 1 trường nào đó trong lộ trình du học Mỹ của mình

Early Action (EA) – Hành động sớm

  • Thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả trúng tuyển: đầu tháng 11 đến giữa tháng 12, kết quả sẽ được thông báo vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau
  • Cách nộp này hay hơn ED vì bạn không cần phải ký hợp đồng và chấp nhận ràng buộc gì cả. Bạn nộp sớm và nhận kết quả sớm.

Rolling Admissions (RA) – Tuyển sinh cuốn chiếu

  • Thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả trúng tuyển: Trường sẽ không có thời gian cụ thể, thường thì là vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 họ mới dừng nhận đơn nên là rất rất lâu. Bạn nộp đơn và ban tuyển sinh sẽ đưa ra kết quả sớm nhất có thể (thường là khoảng 2 tuần).
  • Nhà trường sẽ tuyển học sinh cho đến khi nào đạt đủ chỉ tiêu năm ấy thì sẽ ngừng nhận đơn.

Tại sao lại chọn nộp đơn Early Decision thay vì Regular Decision khi đi du học Mỹ?

Lý do nên nộp hồ sơ du học Mỹ theo hình thức nộp sớm
Lý do nên nộp hồ sơ du học Mỹ theo hình thức nộp sớm

Khi bạn nộp ED thì khả năng đậu của bạn sẽ tăng lên từ “một chút” đến “rất nhiều” tuỳ vào trường. Việc nộp ED có thể sẽ giúp bạn rất nhiều trong dự định đi du học Mỹ. Hãy tìm hiểu phía dưới xem việc nộp Early Decision thì có hợp lý đối với bạn không nhé.

Để tìm hiểu xem có nên nộp ED vào trường mình muốn hay không, bạn hãy tra Google từ khoá sau và tìm hiểu: [College] Common Data Set và nhìn vào tỉ lệ trúng tuyển ED và RD năm ngoái. Common Data Set là dữ liệu mà nhà trường cung cấp mỗi năm và cho người đọc thấy được mọi khía cạnh của nhà trường. Dữ liệu này có thể cho ta thấy trường này ưu tiên gì hơn (như sắc tộc, GPA, hoạt động ngoại khoá..) hoặc cho ta biết tỉ lệ sinh viên trên giảng viên, số lượng học sinh nhận học bổng, điểm SAT/ACT của khoá năm ngoái v.v..

Bạn nên so sánh tỉ lệ trúng tuyển ED với tỉ lệ trúng tuyển RD dựa vào dữ liệu được cho. Nếu tỉ lệ này thấp hơn khoảng 1.4x thì không nên nộp ED vì không có lợi lắm. Nhưng nếu chênh lệch từ 3.0x trở lên thì đây là một lợi thế lớn và bạn nên cân nhắc nộp ED. 

Ngoài ra, bạn cũng nên nhìn vào tỉ lệ thí sinh học trong trường đấy năm ngoái có bao nhiêu % là thí sinh nộp ED. 

Giả dụ, trường Vassar có 38% học sinh là những người nộp ED, có tỉ lệ nộp ED lớn hơn 3.5X lần so với RD → Bạn nên cân nhắc nộp ED vì đây là lợi thế lớn. Tuy nhiên, ở trường Arizona, chỉ có 10% học viên là người nộp ED và nếu chia tỉ lệ nộp ED (36.8%) cho RD (59%) thì chỉ được vỏn vẹn 0,6X, trường này không nên nộp ED.

Nghe thì có vẻ rất rối rắm nên nếu bạn không muốn tính toán thì có thể vào thẳng trang này để xem luôn, họ đã tính toán những dữ liệu đấy và tổng hợp rồi. Các bạn chỉ cần tải bản PDF ở đây để xem: https://www.bigjeducationalconsulting.com/resources

Về các loại bảng điểm khi đi du học Mỹ

Các loại bảng điểm khi đi du học Mỹ
Các loại bảng điểm khi đi du học Mỹ.

Để hoàn thiện bộ hồ sơ du học Mỹ, bạn phải nộp bảng điểm chính thức cho trường đại học ở Mỹ, bảng điểm đấy phải có chữ ký, đóng dấu của trường cấp 3 bạn học và đã được công chứng và dịch sang tiếng Anh. Những loại bảng điểm mà nhà trường thường yêu cầu chính là Mid-year transcript, current transcript, final transcript.

Mid-year transcript – Bảng điểm giữa năm

  • Điểm từ lớp 9 đến lớp 11 KÈM điểm học kỳ 1 lớp 12

Current transcript – Bảng điểm hiện tại 

  • Khi nộp hồ sơ ở hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến CoalitionForCollegeAccess, họ sẽ thường hỏi loại bảng điểm này
  • Bảng điểm trước khi tốt nghiệp, điểm từ lớp 9 đến thời điểm hiện tại

Final transcript – Bảng điểm cuối cùng

  • Điểm từ lớp 9 đến hết lớp 12
  • Đây là bảng điểm mà nhà trường yêu cầu bạn gửi sau khi đã tốt nghiệp. Cái này thì tuỳ trường cấp 3 mà bạn học nên theo dõi và hỏi thầy cô để có mà nộp nhé.

Deferred Enrollment – Hoãn thời gian nhập học 

Đây là một thuật ngữ được dùng trong quá trình tuyển sinh ở các trường đại học bên Anh nhưng dễ gây nhầm lẫn với các bạn muốn nộp hồ sơ du học Mỹ. Hiểu đơn giản thì khi bạn đã trúng tuyển nhưng lại gặp phải vấn đề đột xuất, bạn có thể viết thư xin nhà trường hoãn hồ sơ của mình lại từ một học kỳ đến một năm học. 

Tuy nhiên thì đối với các trường ở Mỹ, bạn không thể xin hoãn hồ sơ được nên đó cũng là một điều cần lưu ý. 

Deferred Application – Sự trì hoãn hồ sơ

Nếu như bạn nộp hồ sơ du học Mỹ với hình thức nộp sớm (Early Decision) và nhận được quyết định trì hoãn hồ sơ (deferred decision) thì có nghĩa là hồ sơ của bạn sẽ được chuyển từ hình thức nộp sớm sang hình thức nộp thường (Regular Decision). 

Vậy quyết định này có nghĩa là gì? Nhà trường không muốn đánh mất một học sinh có tiềm năng và muốn trao cho bạn cơ hội thứ hai trong quá trình tuyển sinh bằng cách chuyển hồ sơ của bạn sang hình thức nộp thường để hồ sơ của bạn có thể được đánh giá lại. 

Theo như thông số gần đây thì trong số 7000 học sinh nộp đơn nhập học vào trường Yale, có 800 học sinh trúng tuyển và 50% học sinh trong số đây là những người đã từng nhận quyết định trì hoãn từ trường. Các thí sinh bị trì hoãn cũng có khả năng trúng tuyển cao hơn những bạn bị đưa vào danh sách chờ (waitlist).

Để gia tăng khả năng trúng tuyển thì bạn hãy nộp thêm thư giới thiệu, cập nhật lại các hoạt động ngoại khoá và cập nhật bảng điểm mới nhất lên trang tuyển sinh của nhà trường nhé! Ngoài ra, để bạn cũng nên chọn thêm các trường khác để đề phòng tình huống xấu, tránh làm ảnh hưởng đến lộ trình du học Mỹ của bản thân nhé!

Waitlist – Danh sách chờ 

Ví dụ về một ứng viên bị đưa vào danh sách chờ (waitlist) của trường
Ví dụ về một ứng viên bị đưa vào danh sách chờ (waitlist) của trường

Sau khi bạn nộp hồ sơ cho nhà trường và bao nhiêu thời gian chờ đợi, bạn đã nhận được email mới từ trường. Khi mở ra họ lại bảo rằng bạn đã bị đưa vào danh sách chờ (waitlist), quyết định này vẫn tốt hơn việc bạn bị báo trượt (rejected). 

Mặc dù bạn là một ứng viên tiềm năng nhưng nhà trường đã nhận được đủ người vào học và không thể nhận thêm được nữa. Nếu trong khoảng thời gian nhà trường mở danh sách chờ mà có ứng viên nào rút đơn và không muốn nhập học ở trường đấy nữa thì trường sẽ chọn ứng viên từ danh sách chờ để thay thế vào. Mặc dù vậy, tuỳ vào trường mà xác suất bạn nhận được thư mời nhập học khi bị đưa vào danh sách chờ sẽ dao động từ cao đến thấp. 

Một cách để tăng khả năng đậu khi bị đưa vào wait list là bạn hãy viết một thư thể hiện mong muốn theo học tại trường (Letter of Continued Interest – LOCI) để tạo ấn tượng với ban tuyển sinh của trường và tăng khả năng trúng tuyển. Nhưng cũng giống như việc bị nhận quyết định trì hoãn, sẽ tốt hơn nếu bạn có thêm các trường dự phòng để chuẩn bị cho mọi tình huống và đảm bảo cho việc du học Mỹ của mình không bị ảnh hưởng.

Total
0
Lượt chia sẻ
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *